Khi xương hàm không đủ chỗ dẫn đến răng khôn mọc lệch, ngầm. Chúng thường gây nhiễm trùng, sưng, đau, nhức, khít hàm. Răng khôn cần được nhổ để tránh nhiễm trùng, hư răng bên cạnh, tiêu xương ổ răng bên cạnh, tạo nang răng xương hàm.
Khi răng khôn hàm dưới mọc ngầm, có thể sẽ có nang thân răng bao quanh và gây viêm nhiễm. Răng khôn mọc lệch sẽ dễ gây kẹt thức ăn và khó vệ sinh răng miệng, dẫn đến viêm nhiễm. Răng khôn hàm trên nếu thiếu chỗ thường mọc chếch ra phía má và phía sau. Trong lúc ăn nhai, bệnh nhân dễ cắn phải má. Nói chung, răng khôn hàm dưới thường gây biến chứng nhiều hơn và nặng hơn hàm trên.
Biến chứng thường gặp khi răng khôn hàm dưới mọc lệch là viêm túi quanh răng khôn rồi lan ra mô mềm xung quanh. Mủ có thể chảy ra mặt ngoài xương hàm dưới, xuống vùng thành bên họng rồi xuống cổ.
Khi có sưng đau và hạn chế há miệng ở vùng răng khôn, bệnh nhân cần được dùng kháng sinh và các thuốc giảm đau chống viêm. Nên uống kháng sinh phổ rộng và dùng nước súc miệng thường xuyên vì trong túi lợi răng khôn thường có vi khuẩn kỵ khí.
Nếu mủ tụ lại thành ổ áp xe thì cần được chích rạch và dẫn lưu. Sau khi bệnh nhân hết sưng đau thì cần được nhổ răng khôn. Bệnh nhân được tiêm thuốc tê để mất cảm giác hoàn toàn ở quanh vùng răng khôn; một số trường hợp có thể gây mê nếu răng khôn kẹt hoàn toàn trong xương hàm (bệnh nhân không được ăn trong vòng 6 giờ trước khi gây mê).
Bác sĩ rạch lợi, lấy ra chiếc răng khôn nguyên vẹn hoặc phải cắt nó làm nhiều phần nếu bị kẹt vào răng số 7. Sau đó, cần làm nhẵn rìa xương ổ răng khôn, rửa sạch, sát trùng rồi khâu đóng vạt lợi. Nếu dùng chỉ không tiêu thì sau 5 ngày, bệnh nhân cần quay lại để cắt chỉ.